Trang chủ >>Tin tức & sự kiện >>Tin tức & sự kiện | ||
Dự thảo Thông tư hướng dẫn tái cơ cấu doanh nghiệp 100% vốn nhà nước để chuyển thành công ty cổ phần
THÔNG TƯ Hướng dẫn tái cơ cấu doanh nghiệp 100% vốn nhà nước để chuyển thành công ty cổ phần ——–––––––––—
Căn cứ Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11 ngày 29/11/2005; Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Tài chính; Căn cứ Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần và Nghị định số …/2013/NĐ-CP ngày …/…/2013 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2011/NĐ-CP; Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp; Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện tái cơ cấu để chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp 100% vốn nhà nước không đủ điều kiện cổ phần hóa do âm vốn chủ sở hữu nhà nước như sau:
CHƯƠNG I - QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh 1. Thông tư này hướng dẫn thực hiện hoạt động tái cơ cấu thông qua xử lý nợ để chuyển đổi sở hữu các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sau khi xử lý tài chính và xác định lại giá trị doanh nghiệp theo quy định tại Chương II và Chương III Nghị định số 59/2011/NĐ-CP mà giá trị thực tế của doanh nghiệp thấp hơn các khoản nợ phải trả của doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp tái cơ cấu). 2. Đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chưa thực hiện xử lý tài chính và xác định lại giá trị doanh nghiệp nhưng theo báo cáo tài chính tại thời điểm gần nhất có tổng tài sản thấp hơn các khoản nợ phải trả thì doanh nghiệp 100% vốn nhà nước báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, thỏa thuận với Công ty Mua bán nợ để quyết định thực hiện tái cơ cấu thông qua xử lý nợ theo quy định tại Thông tư này (nếu cần thiết).
Điều 2. Giải thích từ ngữ Trong Thông tư này, một số từ ngữ được hiểu như sau: 1. “Phương án tái cơ cấu” là phương án chuyển đổi doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sau khi xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp mà giá trị thực tế của doanh nghiệp thấp hơn các khoản nợ phải trả của doanh nghiệp. 2. “Giá vốn mua nợ” là tổng chi phí mua nợ tính đến thời điểm giảm trừ trách nhiệm trả nợ, bao gồm: giá mua nợ thực tế cộng (+) các khoản chi phí hợp lý, hợp lệ liên quan đến việc mua khoản nợ. 3. “Giảm trừ nghĩa vụ trả nợ” là biện pháp xóa một phần trách nhiệm trả nợ cho doanh nghiệp tái cơ cấu được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật. 4. “Chủ nợ” là tổ chức, cá nhân có nợ phải thu. 5. “Chủ nợ tham gia tái cơ cấu” là chủ nợ của doanh nghiệp tái cơ cấu, cùng tham gia quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp để chuyển thành công ty cổ phần.
Điều 3. Nguyên tắc thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp thông qua xử lý nợ để chuyển thành công ty cổ phần 1. Doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện tái cơ cấu để chuyển thành công ty cổ phần là các doanh nghiệp không thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định của pháp luật. 2. Phương án tái cơ cấu được thực hiện trên nguyên tắc đồng thuận giữa cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án tái cơ cấu, doanh nghiệp tái cơ cấu với Công ty Mua bán nợ hoặc các chủ nợ tham gia tái cơ cấu (lập biên bản thỏa thuận giữa các bên). Công ty Mua bán nợ được quyền chủ động đàm phán mua nợ và đề xuất phương án tái cơ cấu doanh nghiệp phù hợp với quy định của pháp luật. 3. Công ty Mua bán nợ chỉ quyết định mua nợ để tái cơ cấu doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sau khi cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án tái cơ cấu/cổ phần hóa chấp thuận (hoặc có văn bản đề nghị Công ty Mua bán nợ) và có kết quả đàm phán mua nợ với các chủ nợ của doanh nghiệp tái cơ cấu. Việc mua nợ để tái cơ cấu doanh nghiệp phải đảm bảo có tính khả thi, có khả năng thu hồi vốn hiệu quả và đủ nguồn chênh lệch giữa giá vốn mua nợ với giá trị sổ sách khoản nợ để xử lý tài chính, tái cơ cấu doanh nghiệp theo quy định. 4. Ngoài các nội dung quy định tại Thông tư này, doanh nghiệp tái cơ cấu, Công ty Mua bán nợ và các cơ quan có liên quan thực hiện theo quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.
CHƯƠNG II - QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Quy trình chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần thông qua tái cơ cấu Quy trình tái cơ cấu doanh nghiệp 100% vốn nhà nước để chuyển thành công ty cổ phần quy định cụ thể tại Phụ lục kèm theo Thông tư này, bao gồm các bước cơ bản sau: 1. Triển khai kế hoạch chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần a. Thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hoá/tái cơ cấu và Tổ giúp việc. b. Chuẩn bị các hồ sơ, tài liệu. c. Tổ chức kiểm kê, xử lý những vấn đề về tài chính và tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp. d. Quyết định và công bố giá trị doanh nghiệp. 2. Xây dựng phương án tái cơ cấu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. 3. Tổ chức thực hiện phương án tái cơ cấu 4. Hoàn tất việc chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. a. Tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất và đăng ký doanh nghiệp. b. Tổ chức quyết toán, bàn giao giữa doanh nghiệp và công ty cổ phần.
Điều 5. Xử lý tài chính doanh nghiệp tái cơ cấu 1. Xử lý tài chính khi xác định giá trị doanh nghiệp Doanh nghiệp tái cơ cấu thực hiện xử lý tài chính và xác định lại giá trị doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP và Thông tư số 202/2011/TT-BTC ngày 30/12/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp theo Nghị định số 59/2011/NĐ-CP. 2. Xử lý tài chính theo phương án tái cơ cấu 2.1. Nguyên tắc xử lý tài chính: a. Việc thực hiện xử lý tài chính đối với doanh nghiệp tái cơ cấu phải gắn với phương án tái cơ cấu đã được cơ quan có thẩm quyết định phê duyệt. b. Đảm bảo công khai, minh bạch và chấp hành đúng các quy định của pháp luật. Trường hợp các tổ chức, cá nhân có liên quan khi thực hiện xử lý tài chính không chấp hành đúng chế độ quy định, gây thất thoát vốn, tài sản thì tổ chức, cá nhân đó chịu trách nhiệm bồi thường quy định của pháp luật. c. Công ty Mua bán nợ thực hiện xử lý tài chính cho doanh nghiệp trên cơ sở phương án tái cơ cấu đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo thực hiện theo đúng chế độ quy định về mua, bán, xử lý nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp. 2.2. Nội dung xử lý tài chính a. Giảm trừ nghĩa vụ trả nợ cho doanh nghiệp tái cơ cấu: Căn cứ phương án tái cơ cấu đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt: - Công ty Mua bán nợ quyết định giảm trừ một phần nghĩa vụ trả nợ cho doanh nghiệp tái cơ cấu theo cam kết. Mức giảm trừ nghĩa vụ trả nợ tối đa bằng số âm vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính gần nhất của doanh nghiệp tái cơ cấu đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập trừ (-) đi phần giảm trừ nghĩa vụ trả nợ của các chủ nợ khác (nếu có) và không vượt quá số chênh lệch giữa giá trị sổ sách khoản nợ mua và giá vốn mua nợ tính đến thời điểm quyết định giảm trừ nghĩa vụ trả nợ. - Các chủ nợ khác quyết định giảm trừ nghĩa vụ trả nợ cho doanh nghiệp tái cơ cấu theo cam kết. b. Từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần, doanh nghiệp tái cơ cấu tiếp tục xử lý tài chính theo quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP và Thông tư số 202/2011/TT-BTC. Trong đó: - Lợi nhuận phát sinh được dùng để bù đắp số lỗ lũy kế (nếu có), số còn lại được bàn giao sang công ty cổ phần để quản lý, sử dụng. - Trường hợp phát sinh lỗ thì doanh nghiệp tái cơ cấu làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan để có biện pháp khắc phục, bồi thường theo quy định. - Tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần, sau khi bù trừ các khoản bồi thường (nếu có) mà doanh nghiệp tái cơ cấu vẫn còn lỗ lũy kế thì Công ty Mua bán nợ phối hợp với các chủ nợ tham gia tái cơ cấu xem xét, thực hiện tiếp việc giảm trừ nghĩa vụ trả nợ cho doanh nghiệp tái cơ cấu tối đa bằng số lũy kế. Trong trường hợp này, Công ty Mua bán nợ thực hiện giảm trừ nghĩa vụ trả nợ từ nguồn chênh lệch còn lại (giữa giá trị sổ sách khoản nợ mua và giá vốn mua nợ) sau khi trừ đi nguồn chênh lệch đã xử lý nêu tại tiết a điểm 2.2 khoản 2 Điều 5 Thông tư này.
Điều 6. Bán cổ phần lần đầu 1. Doanh nghiệp tái cơ cấu thực hiện trình tự, thủ tục, phương thức bán và giá bán cổ phần lần đầu theo quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP và Thông tư số 196/2011/TT-BTC ngày 26/12/2011 của Bộ Tài chính. Trong đó, giá bán cổ phần cho người lao động và tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp tái cơ cấu không thấp hơn mệnh giá cổ phần theo quy định. 2. Công ty Mua bán nợ và các chủ nợ tham gia tái cơ cấu doanh nghiệp được chuyển nợ thành vốn góp cổ phần theo nguyên tắc: - Công ty Mua bán nợ thực hiện chuyển nợ thành vốn góp cổ phần theo tỷ lệ 1:1 (10.000 đồng nợ bằng 10.000 đồng vốn góp, tương đương 01 cổ phần theo mệnh giá quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP). - Các chủ nợ khác thực hiện chuyển nợ thành vốn góp theo tỷ lệ thỏa thuận với cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án tái cơ cấu và doanh nghiệp tái cơ cấu.
Điều 7. Xử lý số cổ phần không bán hết Doanh nghiệp tái cơ cấu có trách nhiệm thực hiện xử lý số cổ phần không bán hết theo quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP và Thông tư số 196/2011/TT-BTC. Trong đó: 1. Khi thực hiện chào bán công khai tiếp theo phương thức thỏa thuận đối với số cổ phần không bán hết khi đấu giá, Ban chỉ đạo cổ phần hóa/tái cơ cấu báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án tái cơ cấu/cổ phần hóa xem xét, quyết định bán cổ phần cho các nhà đầu tư đã tham dự đấu giá và các nhà đầu tư khác theo thỏa thuận với mức giá không thấp hơn giá đấu thành công thấp nhất của cuộc đấu giá công khai. 2. Trường hợp vẫn không bán hết thì Ban chỉ đạo cổ phần hóa/tái cơ cấu xem xét, quyết định chào bán cho Công ty Mua bán nợ và các chủ nợ theo nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này. 3. Trường hợp Công ty Mua bán nợ và các chủ nợ vẫn không mua hết số cổ phần chào bán quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư này thì Ban chỉ đạo cổ phần hóa/tái cơ cấu báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án tái cơ cấu thực hiện điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ để chuyển doanh nghiệp tái cơ cấu thành công ty cổ phần trước khi tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần đầu.
Điều 8. Chính sách đối với người lao động dôi dư 1. Chính sách đối với người lao động dôi dư trong doanh nghiệp tái cơ cấu thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước khi cổ phần hóa. 2. Nguồn kinh phí: Kinh phí giải quyết chính sách đối với người lao động dôi dư trong doanh nghiệp tái cơ cấu thực hiện theo nguyên tắc: sử dụng phần thặng dư vốn bán cổ phần (chênh lệch giữa tiền thu từ bán cổ phần và tổng mệnh giá cổ phần đã bán) để chi trả cho người lao động dôi dư, trường hợp phần thặng dư vốn không đủ để chi trả cho người lao động dôi dư thì được bổ sung từ: - Quỹ hỗ trợ, sắp xếp và phát triển doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tái cơ cấu là: công ty mẹ - Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước; công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố. - Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại công ty mẹ - Tập đoàn, Tông ty nhà nước; công ty mẹ trong tổ hợp công ty mẹ - công ty con đối với doanh nghiệp tái cơ cấu là các công ty con do công ty mẹ sở hữu 100% vốn điều lệ. Trường hợp thiếu thì được bổ sung từ Quỹ hỗ trợ, sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.
Điều 9. Chi phí chuyển đổi doanh nghiệp tái cơ cấu thành công ty cổ phần Chi phí chuyển đổi doanh nghiệp tái cơ cấu thành công ty cổ phần thực hiện theo quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP và Điều 12 Thông tư số 196/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính. Trong đó, nguồn thanh toán chi phí chuyển đổi là phần thặng dư vốn bán cổ phần (chênh lệch giữa tiền thu từ bán cổ phần và tổng mệnh giá cổ phần đã bán). Trường hợp thiếu thì được bổ sung từ Quỹ theo nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư này;
Điều 10. Quản lý, sử dụng tiền thu từ bán cổ phần Việc quản lý, sử dụng tiền thu từ bán cổ phần của doanh nghiệp tái cơ cấu thực hiện theo quy định hiện hành đối với doanh nghiệp 100% nhà nước thực hiện cổ phần hóa. Trong đó: 1. Toàn bộ tiền thu từ bán cổ phần sau khi trừ chi phí giải quyết chính sách đối với người lao động dôi dư và chi phí chuyển đổi doanh nghiệp quy định tại Điều 8, Điều 9 Thông tư này được để lại doanh nghiệp tái cơ cấu để sử dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh. 2. Doanh nghiệp tái cơ cấu không phải mở tài khoản phong tỏa khi thực hiện bán cổ phần. 3. Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chuyển thành công ty cổ phần, doanh nghiệp tái cơ cấu có trách nhiệm quyết toán các khoản chi cho người lao động và chi phí chuyển đổi, báo cáo Ban chỉ đạo cổ phần hóa để báo cáo cơ quan quyết định tái cơ cấu phê duyệt, đồng gửi Bộ Tài chính để giám sát.
CHƯƠNG III - TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Trách nhiệm của Ban chỉ đạo cổ phần hóa/tái cơ cấu Ban chỉ đạo cổ phần hóa/tái cơ cấu thực hiện các quyền và trách nhiệm theo quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn có liên quan trong quá trình chuyển doanh nghiệp tái cơ cấu thành công ty cổ phần, trong đó: 1. Giúp cơ quan quyết định phương án tái cơ cấu chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc chuyển doanh nghiệp tái cơ cấu thành công ty cổ phần. 2. Trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa/tái cơ cấu bổ sung thành phần Ban chỉ đạo cổ phần hóa sau khi thỏa thuận với Công ty Mua bán nợ và các chủ nợ về phương án tái cơ cấu. Thành phần bổ sung Ban chỉ đạo gồm đại diện Công ty Mua bán nợ, đại diện các chủ nợ tham gia tái cơ cấu (nếu cần). 3. Thẩm tra và trình cơ quan có thẩm quyền quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa/tái cơ cấu theo quy định tại Thông tư này. 4. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện phương án tái cơ cấu theo đúng quy định tại Thông tư này và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
Điều 12. Trách nhiệm của doanh nghiệp tái cơ cấu 1. Chịu trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu và tạo điều kiện để Công ty Mua bán nợ và các chủ nợ tham gia phương án tái cơ cấu nghiên cứu, đánh giá thực trạng của doanh nghiệp trước khi xây dựng phương án tái cơ cấu. 2. Phối hợp với Công ty Mua bán nợ và các chủ nợ xây dựng phương án tái cơ cấu, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. 3. Tổ chức triển khai phương án tái cơ cấu, quản lý, sử dụng tiền thu từ bán cổ phần theo quy định tại Thông tư này và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Trường hợp có tổn thất xảy ra do vi phạm, không thực hiện đúng các quy định tại Thông tư này thì doanh nghiệp tái cơ cấu và các cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật. 4. Kết thúc quá trình tái cơ cấu, doanh nghiệp phải quyết toán kinh phí hỗ trợ lao động dôi dư và chi phí chuyển đổi, báo cáo Ban chỉ đạo cổ phần hóa trình cơ quan có thẩm quyền quyết định phê duyệt. 5. Thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm khác theo quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
Điều 13. Trách nhiệm của Công ty Mua bán nợ việt Nam 1. Thỏa thuận với cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án tái cơ cấu và doanh nghiệp tái cơ cấu trước khi quyết định mua nợ từ các tổ chức tín dụng và các chủ nợ khác. 2. Cử cán bộ tham gia vào Ban chỉ đạo cổ phần hóa và Tổ giúp việc để triển khai phương án tái cơ cấu. 3. Thực hiện xử lý tài chính theo phương án tái cơ cấu đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Công ty và quy định của pháp luật. 4. Phối hợp với doanh nghiệp trong quá trình tổ chức triển khai phương án tái cơ cấu. Trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc thì báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. 5. Cử người đại diện phần vốn góp của Công ty tại doanh nghiệp tái cơ cấu theo quy định. 6. Chịu trách nhiệm thực hiện theo đúng các quy định tại Thông tư này và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
Điều 14. Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa/tái cơ cấu Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa/tái cơ cấu thực hiện các quyền và trách nhiệm theo quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn có liên quan, trong đó: 1. Chỉ đạo doanh nghiệp tái cơ cấu phối hợp với Công ty Mua bán nợ và các chủ nợ để tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng doanh nghiệp trước khi tham gia tái cơ cấu. 2. Thỏa thuận với Công ty Mua bán nợ, các chủ nợ về phương án tái cơ cấu doanh nghiệp thông qua xử lý nợ theo quy định tại Thông tư này. 3. Quyết định phê duyệt phương án tái cơ cấu theo quy định tại Thông tư này và các nội dung đã thỏa thuận với Công ty Mua bán nợ, các chủ nợ tham gia tái cơ cấu. 4. Kiểm tra, giám sát Ban chỉ đạo cổ phần hóa/tái cơ cấu và doanh nghiệp trong việc triển khai phương án tái cơ cấu. 5. Phê duyệt quyết toán kinh phí hỗ trợ lao động dôi dư, chi phí chuyển đổi doanh nghiệp và tiền thu từ bán cổ phần, đồng thời gửi về Bộ Tài chính (Cục Tài chính doanh nghiệp)
Điều 15. Trách nhiệm của các chủ nợ tham gia tái cơ cấu 1. Phối hợp với doanh nghiệp trong quá trình tổ chức triển khai phương án tái cơ cấu. Thực hiện xử lý tài chính cho doanh nghiệp tái cơ cấu theo cam kết và phương án tái cơ cấu đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. 2. Cử đại diện tham gia vào Ban chỉ đạo cổ phần hóa và Tổ giúp việc để triển khai phương án tái cơ cấu (nếu cần). 3. Chịu trách nhiệm thực hiện theo đúng các quy định tại Thông tư này và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
Điều 16. Điều khoản thi hành 1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày ... tháng ... năm 2013. Cơ quan có thẩm quyền quyết định cổ phần hóa/tái cơ cấu, doanh nghiệp tái cơ cấu và Công ty Mua bán nợ chịu trách nhiệm thực hiện theo quy định tại Thông tư này và các văn bản có liên quan hướng dẫn Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ. 2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu xem xét, xử lý./.
PHỤ LỤC QUY TRÌNH CHUYỂN ĐỔI DOANH NGHIỆP TÁI CƠ CẤU THÀNH CÔNG TY CỔ PHẦN (Ban hành kèm theo Thông tư số……./2013/TT-BTC ngày…./…./2013) ______________________
Quy trình chuyển đổi doanh nghiệp tái cơ cấu thành công ty cổ phần bao gồm các bước công việc sau:
Bước 1. Triển khai kế hoạch chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần 1. Thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hoá/tái cơ cấu và Tổ giúp việc. a) Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa/tái cơ cấu quyết định thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hoá và kế hoạch, lộ trình triển khai. b) Trưởng Ban chỉ đạo lựa chọn và ra quyết định thành lập Tổ giúp việc trong thời gian 5 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định thành lập Ban chỉ đạo. c) Đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư này thì thành phần Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc bao gồm đại diện của Công ty Mua bán nợ và đại diện chủ nợ tham gia tái cơ cấu (nếu cần). 2. Chuẩn bị các hồ sơ, tài liệu. Ban chỉ đạo cổ phần hoá/tái cơ cấu chỉ đạo Tổ giúp việc phối hợp cùng với doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ, tài liệu liên quan bao gồm: - Các Hồ sơ pháp lý về thành lập doanh nghiệp. - Các Hồ sơ pháp lý về tài sản, nguồn vốn, công nợ của doanh nghiệp. - Báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán thuế của công ty đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp. - Lập dự toán chi phí cổ phần hóa/tái cơ cấu theo chế độ quy định. - Lập phương án sử dụng đất của doanh nghiệp đang quản lý phù hợp với quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ. - Lập danh sách và phương án sử dụng lao động đang quản lý. - Lựa chọn phương pháp, hình thức xác định giá trị doanh nghiệp, lựa chọn thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn có liên quan đến cổ phần hoá. 3. Tổ chức kiểm kê, xử lý những vấn đề về tài chính và tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp. Tổ giúp việc, doanh nghiệp phối hợp với tổ chức tư vấn (nếu có) tiến hành: a) Kiểm kê, phân loại tài sản và quyết toán tài chính, quyết toán thuế, phối hợp với các cơ quan có liên quan xử lý những vấn đề về tài chính đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp. b) Gửi phương án sử dụng đất cùng toàn bộ hồ sơ có liên quan đến Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên địa bàn để xin ý kiến về các lô đất doanh nghiệp sẽ tiếp tục sử dụng sau cổ phần hoá và giá đất làm căn cứ để xác định giá trị doanh nghiệp. c) Tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp. Ban chỉ đạo cổ phần hoá/tái cơ cấu lựa chọn (hoặc đấu thấu lựa chọn) tổ chức định giá để giao cho doanh nghiệp ký kết hợp đồng định giá hoặc giao cho Tổ giúp việc, doanh nghiệp tự xác định giá trị doanh nghiệp theo quy định. Trường hợp Tổ chức tư vấn có chức năng định giá thì có thể thuê trọn gói về lập phương án cổ phần hoá/tái cơ cấu, xác định giá trị doanh nghiệp, tổ chức bán cổ phần. 4. Quyết định và công bố giá trị doanh nghiệp. Ban chỉ đạo thẩm tra kết quả kiểm kê, phân loại tài sản và kết quả xác định giá trị doanh nghiệp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định công bố giá trị doanh nghiệp.
Bước 2. Xây dựng phương án tái cơ cấu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt 1. Triển khai xây dựng phương án tái cơ cấu. a. Căn cứ kết quả xác định giá trị doanh nghiệp (không còn vốn nhà nước) và tình hình thực tế của doanh nghiệp, trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ ngày công bố quyết định, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa/tái cơ cấu có văn bản đề nghị Công ty Mua bán nợ phối hợp với các chủ nợ của doanh nghiệp nghiên cứu, tham gia tái cơ cấu doanh nghiệp. b. Trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Công ty Mua bán nợ và các chủ nợ tham gia tái cơ cấu có văn bản thống nhất (hoặc không thống nhất) chủ trương và các nội dung cơ bản để thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp sau khi tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng doanh nghiệp. Trường hợp Công ty Mua bán nợ và các chủ nợ tham gia tái cơ cấu chưa tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng doanh nghiệp tái cơ cấu trước khi nhận được văn bản đề nghị của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa/tái cơ cấu thì trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Công ty Mua bán nợ và các chủ nợ tham gia tái cơ cấu có văn bản trả lời thống nhất (hoặc không thống nhất). c. Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án tái cơ cấu chỉ đạo doanh nghiệp tái cơ cấu phối hợp với Công ty Mua bán nợ và các chủ nợ xây dựng phương án tái cơ cấu hoặc thuê tổ chức vấn, đồng thời quyết định bổ sung thành phần Ban chỉ đạo cổ phần hóa/tái cơ cấu doanh nghiệp và Tổ giúp việc gồm: đại diện Công ty Mua bán nợ, đại diện các chủ nợ khác (nếu có) 2. Hoàn tất phương án tái cơ cấu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. a. Phương án tái cơ cấu phải bao gồm các nội dung cơ bản như: - Thực trạng của doanh nghiệp ở thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp; - Kết quả xác định giá trị doanh nghiệp và những vấn đề cần tiếp tục xử lý ; - Nội dung xử lý tài chính thuộc trách nhiệm của Công ty Mua bán nợ và các chủ nợ phù hợp với kết quả mua nợ và cam kết của các chủ nợ; - Vốn điều lệ theo yêu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty cổ phần; - Phương án chuyển nợ thành vốn góp của Công ty Mua bán nợ và các chủ nợ; Phương án xử lý số cổ phần không bán hết; - Cơ cấu vốn điều lệ, giá khởi điểm và phương thức phát hành cổ phiếu theo quy định; - Dự thảo Điều lệ tổ chức và hoạt động của công ty cổ phần theo các quy định của Luật doanh nghiệp và các văn bản pháp luật hiện hành; - Phương án sắp xếp lại lao động; - Phương án hoạt động sản xuất kinh doanh trong 3 - 5 năm tiếp theo. - Phương án sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. b) Ban chỉ đạo cổ phần hoá/tái cơ cấu chỉ đạo Tổ giúp việc cùng với doanh nghiệp phối hợp với tổ chức tư vấn (nếu có) tổ chức công khai phương án tái cơ cấu và gửi tới từng bộ phận trong công ty để nghiên cứu trước khi tổ chức hội nghị công nhân viên chức (bất thường). Sau Hội nghị công nhân viên chức, Tổ giúp việc, doanh nghiệp tái cơ cấu phối hợp với tổ chức tư vấn (nếu có) hoàn thiện phương án tái cơ cấu để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. c) Ban chỉ đạo thẩm định phương án tái cơ cấu báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Bước 3. Tổ chức thực hiện phương án tái cơ cấu 1. Ban chỉ đạo cổ phần hoá/tái cơ cấu chỉ đạo doanh nghiệp phối hợp với các tổ chức tư vấn trung gian tổ chức bán cổ phần theo phương án tái cơ cấu đã được duyệt. 2. Trên cơ sở kết quả đấu giá công khai hoặc kết quả bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, Ban chỉ đạo cổ phần hoá/tái cơ cấu chỉ đạo doanh nghiệp bán cổ phần cho người lao động và tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp (nếu có) theo phương án đã duyệt. Trường hợp không bán hết cổ phần cho các đối tượng theo đúng phương án tái cơ cấu được duyệt, Ban chỉ đạo cổ phần hoá/tái cơ cấu báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định phê duyệt phương án tái cơ cấu ra quyết định điều chỉnh quy mô, cơ cấu cổ phần của doanh nghiệp.
Bước 4. Hoàn tất việc chuyển doanh nghiệp thành công ty cổ phần 1. Tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất và đăng ký doanh nghiệp. a. Ban Chỉ đạo cổ phần hoá/tái cơ cấu chỉ đạo Tổ giúp việc, doanh nghiệp tổ chức Đại Hội đồng cổ đông lần thứ nhất để thông qua Điều lệ tổ chức và hoạt động, phương án sản xuất kinh doanh, bầu Hội đồng quản trị, ban Kiểm soát và bộ máy điều hành công ty cổ phần. b. Căn cứ vào kết quả Đại Hội đồng cổ đông lần thứ nhất, Hội đồng quản trị công ty cổ phần thực hiện đăng ký doanh nghiệp theo quy định. 2. Tổ chức quyết toán, bàn giao giữa doanh nghiệp và công ty cổ phần. a. Trong thời gian 30 ngày làm việc kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu, Ban Chỉ đạo cổ phần hoá/tái cơ cấu chỉ đạo Tổ giúp việc và doanh nghiệp lập báo cáo tài chính tại thời điểm công ty cổ phần được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu, thực hiện quyết toán thuế, kiểm toán báo cáo tài chính, quyết toán chi phí cổ phần hoá/tái cơ cấu, báo cáo cơ quan quyết định phương án tái cơ cấu. b. Căn cứ kết quả xác định lại giá trị vốn của doanh nghiệp tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp, Ban Chỉ đạo cổ phần hoá/tái cơ cấu chỉ đạo Tổ giúp việc và doanh nghiệp tổ chức bàn giao giữa doanh nghiệp và công ty cổ phần. c) Tổ chức ra mắt công ty cổ phần và thực hiện bố cáo trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định. Trong quá trình thực hiện, cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án tái cơ cấu, Ban chỉ đạo cổ phần hoá/tái cơ cấu, Tổ giúp việc và doanh nghiệp có thể tiến hành đồng thời nhiều bước một lúc để đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp./.
|
|